Kỷ niệm 77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2022)
Kỷ niệm 77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2022)
Chuyên mục: Tin tức, sự kiện |
Người đăng:
Nguyễn Thanh Phương |
Ngày đăng: 23/09/2022 |
Số lần xem: 650
Kỷ niệm 77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2022)
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, thực dân Pháp lại dã tâm thực hiện âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, chúng đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của ta tại Sài Gòn, buộc nhân dân Nam bộ phải đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc vừa giành được.
Ngay trong ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ (Ủy ban kháng chiến) triệu tập cuộc họp tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Hội nghị quyết định triệt để tổng đình công, không hợp tác với giặc Pháp, thực hiện chiến tranh du kích, phá hoại đường giao thông tiếp tế, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác với thực dân Pháp. Các công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, chướng ngại vật mọc lên khắp nơi. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần “độc lập hay là chết”, quyết tâm thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị khẩn cấp Thường vụ Trung ương Đảng, nhất trí với chủ trương kháng chiến của Nam bộ và cử một phái đoàn của Trung ương vào Nam bộ để cùng Xứ ủy chỉ đạo cuộc kháng chiến. Ngày 26/9/1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Bác Hồ gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Người nói: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà…”.
Ngay trong những ngày đầu, nhân dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, anh dũng đánh trả quyết liệt, kềm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ. Từ đó, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp; đồng thời, tỏ rõ lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta. Cuộc kháng chiến này còn thực hiện chủ trương của Đảng ta là tập trung đánh mạnh quân Pháp ở Nam bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường Nam bộ để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở miền Bắc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Nam bộ sục sôi ý chí chiến đấu, đã nhất tề đứng lên, xông pha mặt trận quyết chiến với kẻ thù xâm lược. Quân và dân Sài Gòn đã thực hiện chiến thuật “trong đánh, ngoài vây”, hình thành 4 mặt trận tiền tuyến ở ngoại thành. Các ụ chiến đấu mọc lên ở khắp phố phường, các đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả đường. Quân và dân ta đã thực hiện các cuộc chống trả quyết liệt ở cột cờ Thủ Ngữ, khu vực Tân Định, cầu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Chữ Y… Từ đó, làm cho thực dân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn, thiếu quân, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thực phẩm.
Cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Sài Gòn đã làm rung động cả nước, thanh niên miền Bắc và miền Trung tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc, phong trào “Nam tiến” xuất hiện khắp nơi. Đến tháng 10/1945, cuộc kháng chiến lan rộng khắp đồng bằng Nam bộ và mở ra đến các tỉnh Nam Trung bộ. Đâu đâu, giặc Pháp cũng vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân và dân ta. Ngày 25/10/1945, Xứ ủy Nam bộ họp hội nghị mở rộng, quyết định đẩy mạnh chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa kháng chiến và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh.
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh bất khuất chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam bộ danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”. Ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945 đã trở thành một mốc son trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta./.