11 Tháng Chín 2024
Giới thiệu về phường 13 quận 10

1. Vị trí địa lý

Phường 13 là một đơn vị hành chính nằm ở phía Bắc của Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Phường được giới hạn bởi các tuyến đường chính như Cách Mạng Tháng Tám, Tô Hiến Thành, Hòa Hưng, Sư Vạn Hạnh. Phường có vị trí tương đối thuận lợi, giáp với các phường khác trong quận và giáp với quận 3, cụ thể là: phía Đông là đường Hòa Hưng, giáp với phường 12, quận 10; phía Tây là đường Tô Hiến Thành, giáp với phường 15, quận 10; phía Bắc là đường Cách Mạng Tháng Tám giáp với phường 10 quận 3.

Phường 13 chính thức được thành lập theo Quyết định số 33/QĐ-HĐBT ngày 14 tháng 02 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc điều chỉnh lại địa giới hành chính và tổ chức lại các phường thuộc quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Theo quyết định, Quận 10 có sự phân chia lại đơn vị hành chính cấp phường, từ 20 phường sáp nhập lại còn 15 phường, theo thứ tự từ 1 đến 15. Phường 13 được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích của phường 23 và một phần phường 24 trước đó. Diện tích tự nhiên của phường là 47,05ha, phường có 12 khu phố được sắp xếp theo số từ 1 đến 12.

Phường 13 có địa hình và địa chất tương đồng với các phường khác thuộc Quận 10. Đây là khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc mặt đất trung bình từ 0,17 – 0,4%, cao độ mặt đất thay đổi từ 5,20m xuống đến 3,34m. Do địa hình tương đối cao, nên khu vực này không chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều và tình trạng xâm nhập mặn, nhiễm phèn.

2. Về giao thông

Hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, với 3 tuyến đường lớn đó là: Tô Hiến Thành với chiều dài khoảng 1,03km; Cách Mạng tháng Tám với chiều dài khoảng 620m và đường Sư Vạn Hạnh với chiều dài khoảng 340m. Nhìn chung, hệ thống giao thông của phường tương đối hoàn chỉnh; ngoài các tuyến đường lớn trên, phường còn có khoảng 45 hẻm lớn, nhỏ nằm xen kẽ các khu dân cư, 100% các con hẻm đã được bê tông hóa với hệ thống cống thoát nước tương đối hoàn chỉnh thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

3. Về dân cư, kinh tế

Phường 13 có diện tích lớn so với các phường khác trong quận và cũng là phường có dân số đông với các khu dân cư hiện hữu, khu quy hoạch gia đình quân đội và 05 lô chung cư 830 Sư Vạn Hạnh. Tính đến ngày 01 tháng 4 năm 2024, dân số trên địa bàn phường có 27.384 người, tập trung sinh sống tại 12 khu phố. Là phường có địa bàn rộng nhưng không có cơ sở kinh tế quy mô lớn so với các phường khác, nên nhìn chung người dân trên địa bàn phường từ trước tới nay chủ yếu là nhân dân lao động, làm các nghề tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ. Đời sống tuy có ổn định nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Phường 13 cũng là phường có số hộ trong diện giảm nghèo cao nhất so với các phường khác trong quận.

4. Về thành phần dân tộc, tôn giáo

Trên địa bàn phường có 03 chùa gồm: chùa Bửu Đà, chùa Hòa Bình và chùa Giác Hải, có 01 đình: đình Chí Hòa là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia và có 02 miếu là miếu Ngũ Hành và miếu Tiên Sư.

Chùa Bửu Đà tọa lạc ở địa chỉ 419/11 Cách Mạng Tháng Tám. Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, do Hòa thượng Thích Như Xướng sáng lập vào năm 1927. Cho đến nay, chùa được trùng tu hai lần vào năm 1963 và năm 1996.

Chùa Hòa Bình tọa lạc ở địa chỉ 419/36 Cách Mạng Tháng Tám. Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, do Hòa thượng Thích Bình Minh sáng lập vào năm 1962. Cho tới nay, chùa được trùng tu một lần vào năm 1992. 

Chùa Giác Hải tọa lạc ở địa chỉ 521/49 Cách Mạng Tháng Tám. Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, chùa được các phật tử xây dựng vào năm 1960.

Đình Chí Hòa tọa lạc ở địa chỉ 475/42 Cách Mạng Tháng Tám. Đây là một ngôi đình cổ được vua Tự Đức sắc phong “Thần” cho đình vào ngày 16 tháng 02 năm Nhâm Tý (1852) và ngày này cũng được lấy làm ngày Lễ Kỳ Yên hàng năm của Đình. Vào ngày 28 tháng 6 năm 1996, Đình Chí Hòa được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 1460-QĐ/VH. Hiện nay Đình Chí Hòa vẫn được nhân dân trong phường bảo tồn, và là một trong danh sách 10 đình cổ lâu đời nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Phường 13 chủ yếu là người Việt sinh sống, ngoài ra còn có các dân tộc khác như: người Hoa, người Mã Lai, người Chăm; người Khơme, dân tộc Tày,... Người dân trên địa bàn cũng theo các tôn giáo khác nhau như đạo Phật, Thiên Chúa giáo, đạo Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo,... còn lại đa số người dân theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà.

5. Về văn hóa, giáo dục, y tế

Phường 13 có 02 Trường mầm non (gồm: Trường Mầm non Phường 13 và Trường Mầm non Măng non I), 01 Trường Tiểu học Lê Thị Riêng, 01 Trường Trung học cơ sở Hòa Hưng và 02 trường đại học (Đại học Ngoại ngữ Tin học thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Thủy Lợi). Ngoài ra, còn có các cơ sở y tế trực thuộc quận quản lý đóng trên địa bàn phường là Bệnh viện Quận 10, Trung tâm y tế quận 10, Trạm y tế phường 13 và một số cơ sở y tế ngoài công lập.

Trên địa bàn phường 13, quận 10 còn có Khám Chí Hòa. Đây là nhà tù được người Pháp xây dựng từ năm 1943 nhằm thay thế Khám Lớn Sài Gòn ở góc đường Lý Tự Trọng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Công trình được cho là do người Nhật khởi xướng sau khi đảo chính Pháp để giam tù nhân. Tuy  nhiên, khi thi công chưa hoàn thành, họ đã rút khỏi Việt Nam. Sau đó người Pháp tiếp tục xây dựng. Hầu như toàn bộ vật liệu xây dựng như xi măng, sắt, thép đều được chở từ Pháp sang. Năm 1953, Khám Chí Hòa được xây dựng hoàn chỉnh, Khám Lớn Sài Gòn bị phá bỏ. Ngoài những tù nhân được phóng thích, còn lại khoảng 1.600 người cùng một chiếc máy chém được chuyển về Khám Chí Hòa.

Với diện tích 7 ha, Khám Chí Hòa gồm khu tạm giam Chí Hòa và 03 khu nhà tập thể của cán bộ công nhân viên. Nơi đây từng giam tù chính trị chống lại thực dân Pháp và chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Đây được đánh giá là một công trình kiến trúc đặc biệt vừa hòa hợp những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Pháp: kiên cố, kín đáo, mát mẻ, vừa mang nét huyền bí âm dương ngũ hành của phương Đông. Đây là nơi đế quốc Mỹ đã sử dụng để giam cầm, tra tấn nhân dân Việt Nam yêu nước. Hiện nay, Khám Chí Hòa được sự quản lý của Bộ Công an.

6. Lịch sử hình thành

Đầu năm 1987, phường 13 chính thức được thành lập trên toàn bộ diện tích của phuờng 23 trước kia và một phần diện tích của phường 24. Từ khi thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường 13 bắt tay vào xây dựng phường theo cơ chế đổi mới trên tất cả các lĩnh vực mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã đề ra. Đảng bộ và nhân dân phường ra sức phát huy thế mạnh của phường, tiếp tục phát triển kinh tế về thương mại, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Ưu tiên phát triển toàn diện trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, tiếp tục giữ vững an ninh quốc phòng v.v… có thể nói trong mười năm năm đầu thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến năm 2000, mặc dù Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường 13 có những bỡ ngỡ bước đầu trong quá trình thực hiện, nhiều vấn đề còn những hạn chế tồn tại. Tuy nhiên, phường đã đạt được thành tựu vẻ vang trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, Đảng bộ và chính quyền, cùng các cấp ủy ngày càng trưởng thành hơn, nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, cơ sở hạ tầng ngày một khang trang, sạch đẹp. Tạo tiền đề cho phường bước vào thế kỷ mới phù hợp với tình hình chung của thành phố và cả nước.

Trong giai đoạn từ năm 2000 cho tới nay, đây là thời kỳ đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình xây dựng phường đô thị theo hướng hiện đại hóa. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường 13 tiếp tục sự nghiệp xây dựng phát triển phường dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận 10. Xác định rõ vị trí của phường nằm trong khu vực nội thành của thành phố có nhiều tiềm năng và sức mạnh lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính vì vậy mà Đảng bộ, chính quyền và các ban ngành đoàn thể chính trị- xã hội đã không ngừng phát huy thế mạnh nội lực về thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. bên cạnh đó quan tâm chăm lo đến vấn đề văn hóa, giáo dục, y tế để đảm bảo đáp ứng kịp thời những nhu cầu tinh thần của nhân dân nhằm nâng cao chất lượng sống trên các lĩnh vực của đời sống nhân dân.

Phường 13 tính từ khi thành lập năm 1987 cho tới nay đã trải qua 9 kỳ Đại hội Đảng bộ phường, mỗi kỳ đại hội diễn ra là một chặng đường để toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân phường tổng kết những thành quả đã đạt được, bên cạnh đó nêu lên những khó khăn hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục, giải quyết. Để từ đó Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể nhân dân cùng tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, tìm ra hướng giải quyết, khắc phục những hạn chế, tồn tại bằng những biện pháp cụ thể nhằm đưa phường phát triển phù hợp với xu hướng của quận, thành phố và cả nước.

Chuyên mục

Tranh cổ động