Các chính sách có hiệu lực từ tháng 9/2019
Chuyên mục: Phổ biến, giáo dục pháp luật |
Người đăng:
Hoàng Văn Khanh |
Ngày đăng: 10/10/2019 |
Số lần xem: 876
- Quán karaoke chỉ được mở cửa đến 12 giờ đêm
Đây là nội dung tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường có hiệu lực từ ngày 1/9/2019. Trong khi các quán karaoke chỉ được hoạt động đến 12 giờ đêm thì các vũ trường được hoạt động đến 2 giờ sáng. Cả hai dịch vụ này đều không được mở cửa trước 8 giờ sáng.
Cũng theo Nghị định này, để mở quán karaoke phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Diện tích phòng hát phải từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát. Trong khi đó, vũ trường phải có diện tích từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ; địa điểm vũ trường phải cách trường học, bệnh viện từ 200m trở lên.
- Về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kể từ ngày 1/9/2019 sẽ được áp dụng theo Nghị định 63/2019. Nghị định này nêu rõ mức phạt tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công là 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Cụ thể, cho thuê trụ sở làm việc, ô tô công khi không có quyết định phê duyệt sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng. Trường hợp tự ý bán thanh lý ô tô khi dự án kết thúc, chưa có quyết định phê duyệt cũng bị phạt tới 20 triệu đồng. Với hành vi sử dụng điện, xăng, dầu, điện thoại, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị... bằng kinh phí nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng; tặng cho tài sản công không đúng quy định bị phạt từ 20 - 50 triệu đồng. Hành vi chiếm đoạt tài sản công nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị xử phạt hành chính cao nhất 20 triệu đồng…
- Thêm 16 loài động vật vào Danh mục quý hiếm được ưu tiên bảo vệ
Nghị định 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung nhiều loại động, thực vật vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Trong số 16 loài động vật được bổ sung vào Danh mục này có: Rùa đầu to, thằn lằn cá sấu, tắc kè đuôi vàng, trĩ sao, cầy giống đốm lớn, cầy vằn bắc, cầy gấm… Riêng trâu rừng đã không còn nằm trong Danh mục này.
3 loài thực vật được bổ sung vào Danh mục gồm: Hoàng liên gai lá mốc, hoàng liên gai lá nhỏ, hoàng liên gai lá dài.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/9/2019.
- 9 loại bệnh truyền nhiễm nhóm B phải cách ly
Tại Thông tư 17/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/9/2019, Bộ Y tế đề cập đến Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế.
Danh mục gồm 09 loại bệnh, trong đó có: Bạch hầu; Ho gà; Sở; Rubella; Than; Viêm màng não do não mô cầu; Tay chân miệng; Thủy đậu; Quai bị.
Cũng theo Thông tư, đối tượng giám sát dịch bệnh, dịch bệnh là những người bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ.